Ung thư tuyến tiền liệt - phát hiện và chữa trị kịp thời

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh phổ biến ở nam giới hiện nay, đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Càng ngày ung thư tuyến tiền liệt càng được phát hiện ở tuổi sớm hơn do bệnh nhân có ý thức đi khám sớm và do các chương trình tầm soát phát hiện sớm bệnh tật. Tuy nhiên nếu phát hiện được bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Ngược lại nếu phát hiện muộn thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 30%.
Tuyến tiền liệt có chức năng gì?

Tuyến tiền liệt  hay còn gọi là tuyến nhiếp hộ nằm ở cổ bàng quang. Nó là một tuyến bài tiết quan trọng trong hệ thống sinh dục nam. Bình thường tiền liệt tuyến nhỏ bằng quả táo nặng 20g. Tuyến tiền liệt bao gồm 2 phần riêng biệt khác nhau gồm có 3 thùy: 2 thùy bên và 1 thùy giữa. Chức năng của tuyến tiền liệt chưa biết được một cách thật chính xác nhưng rõ nhất là tiết ra một chất dịch để pha loãng tinh trùng, có màu trắng như sữa, trong chất dịch đó chủ yếu là hoạt chất PSA. Khi lượng PSA của tuyến tiền liệt  phát xuất vào trong máu với nồng độ cao chứng tỏ có một quá trình hủy hoại của các tế bào tuyến tiền liệt, vì vậy khả năng nghi ngờ ung thư cao lên.

 Các yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến?

  • Tuổi càng cao càng dễ bị ung thư tiền liệt tuyến
  • Liên hệ gia đình: nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì cần chú ý đến những người cao tuổi trong gia đình.
  • Những người mà điều kiện làm việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
  •  Ăn nhiều thịt, mỡ động vật; vì thịt động vật nấu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất heterocyclic amines, hoặc khi nướng trên lửa sẽ sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons, là những chất gây ra ung thư. Dầu thực vật, mỡ cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phô-mai không có nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến
  •  Các thực phẩm giàu năng lượng dễ gây ra ung thư tiền liệt tuyến. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa ung thư tiền liệt tuyến và những người có khối lượng cơ thể quá khổ, chỉ số BMI cao (body mass index).
  • Hoạt động tình dục nhiều cũng có thể gây ra ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi.
  • Phì đại tiền liệt tuyến cũng góp phần trong ung thư tiền liệt tuyến.
  • Những người thắt ống dẫn tinh sẽ tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến hơn người bình thường sau 20 năm.
Thiếu sinh tố D.

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt  bằng cách nào?

Dấu hiệu lâm sàng

  • Các biểu hiện rối loạn cơ năng như đi tiểu buốt, rắt, đi tiểu chậm, bí tiểu, đi tiểu ra máu, xuất tinh ra máu. Khi lan rộng thì sẽ có hiện tượng bí tiểu hoàn toàn, đau xương, chán ăn, sụt cân.
  • Thăm khám tuyến tiền liệt chủ yếu là thăm trực tràng, sờ thấy khối u to ra, mật độ không đều, chỗ rắn chỗ mềm

Cận lâm sàng:

  •  Việc thử máu tìm kháng nguyên đặc hiệu PSA rất quan trọng. Kháng nguyên này được phát hiện dễ dàng. PSA là một phân tử protein, có trọng lượng phân tử lớn làm loãng tinh dịch và làm môi trường cho tinh trùng bơi lội để tìm trứng thụ tinh. Người ta có thể sử dụng PSA để sàng lọc, tầm soát ung thư tuyến tiền liệt với độ tin cậy khá cao. Xét nghiệm PSA đã được Medelab đưa vào sử dụng dịch vụ tầm soát ung thư tiền liệt tuyến.
  •  Khi sinh thiết tuyến tiền liệt sẽ đánh giá độ biệt hóa tế bào qua vi thể. Độ biệt hóa có ý nghĩa tiên lượng rất rõ rệt. Tỷ lệ di căn hạch chiếm khoảng 20 – 30% các ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên ung thư tuyến tiền liệt hay di căn vào xương, di căn vào phổi và đôi khi gặp di căn vào gan.
  •  Siêu âm qua đường bụng hoặc siêu âm nội trực tràng sẽ có tác dụng chẩn đoán tương đối đặc hiệu, sinh thiết kim qua đường trực tràng hoặc qua đường tầng sinh môn giúp cho chẩn đoán xác định tổn thương. Các xét nghiệm chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ cho biết ung thư đã di căn tới hạch hay hệ xương. 

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Chủ  yếu là phẫu thuật ở những giai đoạn còn khu trú là cắt bỏ u xơ. Cắt bỏ ung thư đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Do yêu cầu cắt bỏ rộng nên các biến chứng cũng cao hơn là mổ u xơ tiền liệt tuyến, ví dụ cắt phải dây thần kinh chi phối cổ bàng quang, cắt túi tinh làm hỏng quá trình phóng tinh, dễ liệt dương, rò bàng quang... Nếu cắt bỏ khối u rộng rãi tỷ lệ sống còn sau phẫu thuật tới trên 90%, 30 – 70% bị liệt dương, 30% tiểu tiện không tự chủ.
Xạ trị có 2 phương pháp: xạ trị từ xa, đặc biệt là xạ trị gia tốc với ống chuẩn trục đa lá tạo ra được lui bệnh cũng tương tự như phẫu thuật; phương pháp xạ trị tại chỗ dùng các nguồn phóng xạ cắm vào tuyến tiền liệt cũng tạo ra được sự đáp ứng tương tự xạ trị từ xa. Các biến chứng như tiểu tiện không tự chủ, viêm trực tràng, liệt dương cũng thường gặp.
Phương pháp điều trị nội tiết hiện nay được ưa dùng. Đơn giản nhất là cắt tinh hoàn, ít tốn kém, làm giảm được 95% nồng độ testosterol trong máu. Ở phương Tây, việc cắt tinh hoàn khó được chấp nhận. Có những phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết thay thế cho cắt tinh hoàn như sử dụng estrogen, sử dụng progesterol, sử dụng các chất kháng androgen và sử dụng các thuốc ngăn chặn sản xuất testosterol. Các thuốc nội tiết tố nữ như estrogen, progesterol đạt được sự đáp ứng từ 30 – 40% các bệnh nhân. Thời gian đáp ứng trung bình là 10 tháng, tuy nhiên có tác dụng phụ như tăng cân, buồn nôn, đổ mồ hôi và chuột rút. Còn việc ngăn chặn sản xuất testosterol bằng các thuốc nội tiết tố mới như zoladex hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên thuốc còn đắt tiền. Các thuốc chống nội tiết tố nam như flutamid cũng có chỉ định nhưng hiệu quả thấp hơn.
Ngoài ra có thể phá hủy tuyến tiền liệt  bằng phương pháp đông lạnh qua đường trực tràng. Phương pháp này ít được ứng dụng ở nước ta. Các điều trị hóa chất bằng những thuốc mới cũng đã được thử nghiệm nhưng hiệu quả chưa rõ rệt.
Tóm lại, đối với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thì tốt nhất là phẫu thuật, nếu không thì xạ trị trong, xạ trị ngoài. Điều trị nội tiết khi không còn chỉ định phẫu thuật rộng rãi và cho những trường hợp đã thất bại sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị. Nói chung nam giới trên 60 tuổi nếu thấy có những dấu hiệu rối loạn tiểu tiện cần thiết phải đi thử PSA, phải thăm khám tuyến tiền liệt.

Các yếu tố giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến

      - Lycopene là một chất carotenoid có nhiều trong cà chua. Ăn nhiều lycopene giúp giảm ung thư tiền liệt tuyến 21%.

      - Sinh tố A với chất beta-carotene giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

      - Sinh tố E (alpha-tocopherol) và chất selenium cũng giúp giảm ung thư tiền liệt tuyến.

      - Phytoestro-gens có tác dụng như một estrogens yếu và là một chất chống ôxy hóa gồm 2 nhóm hợp chất giống nội tiết tố sinh dục nữ: Isoflavonoids và lignans có nhiều trong đậu nành và những loại rau khác sẽ giúp chống ung thư tiền liệt tuyến.

      - Hoạt động thể dục thể thao

Vấn đề tầm soát được giải quyết như thế nào?

Với điều kiện sống ngày một nâng cao, tuổi thọ con người tăng lên, chắc chắn ung thư tiền liệt tuyến cũng sẽ gia tăng theo, vì vậy những nam giới ở độ tuổi trên 50 nên chú ý việc tầm soát nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Comments are closed.